Ngành Linh kiện điện tử của Việt Nam đang còn rất non trẻ và mới chỉ dừng lại ở hoạt động gia công thông qua việc nhập khẩu các linh kiện điện tử cơ bản, sau đó lắp ráp thành các linh kiện chuyên dụng và xuất khẩu, do vậy giá trị gia tăng tạo ra rất thấp, chỉ khoảng 5-10% chủ yếu dựa trên lợi thế nhân công giá rẻ. Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử nội địa hiện nay gần như đứng ngoài chuỗi cung ứng điện tử của các Tập đoàn Điện tử đa quốc gia hoặc nếu có tham gia cũng chỉ cung cấp các sản phẩm đơn giản.
Công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện của Việt Nam chưa phát triển vì đây là ngành đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Bên cạnh đó, trong một thời gian dài, thuế nhập khẩu linh kiện dưới 5% (theo thực thi AFTA và WTO) thấp hơn thuế nhập khẩu vật tư để sản xuất linh kiện, do đó tạo ra sự mất cân đối giữa lắp ráp sản phẩm và sản xuất phụ tùng linh kiện ngày càng gia tăng.
Với việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại trong thời gian tới, đặc biệt là TPP sẽ giúp thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Khi dòng vốn vẫn đang tiếp tục dịch chuyển cùng với quyết định lựa chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu của các công ty lớn như Electronics Việt Nam, Samsung, United More SDN.Bhd (Malaysia), các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội nhận sự chuyển giao công nghệ từ FDI. Tuy nhiên nếu các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam không có những cải cách đúng đắn và doanh nghiệp không nỗ lực đáp ứng được những tiêu chuẩn của thị trường nội khối TPP, thì thị trường linh kiện điện tử của Việt Nam sẽ thuộc về các FDI và hàng nhập khẩu.